Contents

[Phần 2 - Công việc] Nhật Bản - 5 năm 1 chặng đường

Phần 2 - Công việc

Tiếp tục đến phần 2 của bài viết 「Nhật Bản - 5 năm 1 chặng đường」, mình sẽ tổng kết những việc đã trải qua trong công việc tại Nhật. Sau 1 lúc suy nghĩ thì mình cảm thấy nên chia thành các mục theo cột mốc thời gian, như vậy sẽ dễ nhận ra quá trình trưởng thành trong lối tư duy của bản thân hơn.

Năm thứ 1

Đối với 1 đứa chân ướt chân ráo vừa mới ra trường, chưa hề có kinh nghiệm làm việc chính thức ở công ty nào như mình thì năm đầu tiên ở Nhật thực sự rất vất vả. Tiếng Nhật thì kém, kinh nghiệm làm việc cũng không nhiều, nhưng rất may mắn khi gặp các đồng nghiệp của mình lại vô cùng thân thiện và tốt bụng. Ngày đầu tiên vào công ty, team dev cũng chỉ có khoảng trên dưới 2 chục người, anh đồng nghiệp đầu tiên mình chào hỏi đã nhiệt tình giúp mình setup máy tính, màn hình từ A tới Z (sau này anh ý cũng là sếp, cùng mình làm việc hơn 4 năm liền). Hồi đó mỗi lần nhận task, mình chỉ ú a ú ớ nói được vài từ cơ bản, đại khái cố gắng thì cấp trên cũng hiểu mình nói gì nhưng khá là tốn thời gian để giao tiếp. Chưa kể đến những task với độ phức tạp cao, các sếp còn phải vẽ yêu cầu ra giấy, giải thích từng chút một, giờ nghĩ lại thấy các sếp quả thật rất kiên nhẫn 🤣. Ngoài ngôn ngữ để giao tiếp ra mình cũng cần phải trau dồi thêm business manner vì kinh nghiệm làm việc thực tế ở công ty của mình bằng 0 mà. Còn về mặt kỹ thuật, ngược lại thì không có vấn đề gì, công ty mình chuyên về mảng bất động sản, nên những hệ thống xây dựng lúc đó đơn giản chỉ là để giúp bên sale cải thiện năng suất thôi, không có những yêu cầu nào quá khó cả. Chính vì vậy mà có lẽ đây là năm mình phát triển nhanh nhất về khả năng tiếng Nhật cũng như kinh nghiệm làm việc, trong khi trình độ kỹ thuật thì không hơn được quá nhiều. Quả thật là càng khó khăn, áp lực thì bản thân chúng ta sẽ càng phát triển nhanh hơn 😆

Năm thứ 2

Đến năm thứ 2, công việc và cuộc sống ở Nhật cũng đã đi vào ổn định. Không có vấn đề nào quá lớn ngoài việc các task nhiều hơn so với trước. Nhưng nhìn từ 1 góc độ khác điều đó chứng tỏ cấp trên đang ngày một tin tưởng mình hơn, đây là tín hiệu đáng mừng. Cơ mà đấy là suy nghĩ bây giờ chứ hồi đó mình đâu có nghĩ được như thế, vẫn còn ngây thơ lắm 😆. Lúc ý chỉ muốn làm ít việc, được về nhà đúng giờ thôi (thế mà đến lúc đánh giá thành tích, lúc nào cũng mong được tăng lương, nghịch lý thật đấy 🤣) Mình vẫn nhớ mỗi lần việc nhiều phải tăng ca mình đều khá khó chịu, cứ nhanh nhanh chóng chóng làm cho xong để được về. Chính vì làm ẩu nên có lần kiểm tra không cẩn thận mà tạo ra lỗi trên hệ thống. Nhưng sau vài lần bị sếp mắng mình cũng đã nhận ra được tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm đối với công việc. Khi mình không đảm bảo được đúng tiến độ công việc thì không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống khi đó, mà có khi còn ảnh hưởng đến cả những dự án tiếp theo trong tương lai, cái mà ở vị trí hiện tại của mình không nhìn thấy được. Nhân tiện nói đến bug thì đây cũng là năm mà có lẽ mình tạo ra nhiều bug trong hệ thống nhất. Mặc dù các bug không phải quá lớn, như hiển thị sai chữ, vị trí các nút không đúng… nhưng có đợt phải 5, 6 lần release liên tiếp đều có vấn đề. Điều quan trọng ở đây không phải là độ lớn của bug, mà khi xảy ra liên tục như vậy sẽ khiến cấp trên không còn tin tưởng, luôn cảm thấy bất an khi giao việc cho chúng ta. Sự tin tưởng là thứ xây dựng thì rất khó nhưng làm mất đi thì rất dễ. Lúc đó mình thực sự rất stress, sự tự tin của bản thân cũng mất dần.

https://nddblog-prod.s3.amazonaws.com/uploads/image_file/image/40/Stress.jpeg
Áp lực công việc

Nhưng khi ngồi lại phân tích kỹ càng mình đã nhận ra rằng, bản thân chỉ luôn nghĩ đến tại sao, nhưng lại không hề nghĩ tới cách để cải thiện vấn đề. Và khi đó mình đã đưa ra giải pháp là luôn ghi chú lại các trường hợp mình kiểm tra thiếu, rồi tạo 1 checklist trước khi mỗi lần release chức năng mới. Dần dần thì tỉ lệ bug của mình cũng đã giảm xuống một cách đáng kể.

Năm thứ 3

Bước qua năm thứ 3 thì công việc đối với mình đã quá quen thuộc, mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên cũng tốt. Chỉ có 1 vấn đề là sếp của mình trước đây làm frontend dev, bản thân lại làm backend dev nên từ khi vào công ty mình đều tự bơi, gặp vấn đề khó thì tự tìm cách giải quyết nên nhiều khi không biết cách làm của mình đúng hay sai. Vì vậy mà kinh nghiệm làm việc, độ hiểu biết có thể tăng lên nhưng về chất lượng code thì không tăng lên quá nhiều. Công việc thì lặp đi lặp lại, thêm chức năng này, bỏ chức năng kia, nói chung yêu cầu về thuật không phải quá cao. Có những lúc mình cảm thấy đã không còn gì có thể học hỏi được nữa. Nhưng ngay sau đó mình đã nhận ra suy nghĩ này là quá sai lầm. Có học được hay không là do bản thân chúng ta quyết định, chúng ta đã có chịu khó tìm tòi, chủ động học hỏi cái mới hay chưa. Dev luôn có xu hương nghĩ đến phải học các ngôn ngữ mới, các kỹ thuật tốt hơn nhưng thực tế những thứ đó nhiều khi chưa chắc đã giúp ích cho công việc. Ngoài trình độ, kỹ năng về code ra thì các kỹ năng mềm (soft skill) cũng vô cùng quan trọng. Như làm sao giao tiếp hiệu quả, cách lấy requirement từ end user, hay làm sao để quản lý tiến độ dự án. Những điều đó mình vẫn có thể học được từ cấp trên hay thậm chí là các đồng nghiệp xung quanh.

https://nddblog-prod.s3.amazonaws.com/uploads/image_file/image/41/Importance-of-good-communication-skills-for-teachers-1-1024x684.jpeg
Kỹ năng giao tiếp

Trong năm này bộ phận dev của mình cũng có sự phát triển mạnh mẽ, đó là mỗi team đều có thêm các thành viên mới, chủ yếu là sinh viên mới ra trường. Team của mình có thêm 2 thành viên nữa nên tổng cộng có 4 người: anh Lead, mình và 2 bạn mới. Vì vậy mà mình được giao nhiệm vụ làm mentor. Khi mới nhận việc cảm xúc đầu tiên của mình là lo lắng, bất an, luôn nghĩ rằng với trình độ tiếng Nhật của bản thân thì sao có thể hướng dẫn được cho người Nhật. Và đúng như vậy khơi đầu rất khó khăn, nhiều điều mình muốn góp ý mà lại không biết truyền đạt như thế nào cho hợp lý. Nhưng sau 2, 3 tháng không biết từ lúc nào khả năng tiếng Nhật của mình đã tăng đáng kể, dần dần mình có thể nói chuyện thoải mái hơn, đưa ra những lời khuyên cụ thể cho 2 em ý. Thế mới thấy rằng nhiều khi chính chúng ta cũng không biết hết khả năng của mình đến đâu, cứ phải thử trước đã rồi mới biết được mình có làm được hay không 😉

Năm thứ 4

Sang đến năm thứ 4 thì công ty phát triển tốt hơn, công việc cần làm lại nhiều hơn nên tất nhiên số lượng dev tiếp tục tăng thêm. Lần này team mình lại chào đón thêm 2 thành viên mới, nâng tổng số lên 6 người. Lúc này anh Lead được thăng chức lên làm manager của cả bộ phận dev, nên mình cũng được đẩy lên làm Lead của team hiện tại. Vì đã có kinh nghiệm làm mentor nên mình đã nghĩ rằng cũng không có gì khó khăn lắm. Nhưng thực tế thì lại khác xa, đơn giản vì mentor với Lead là 2 vị trí khác nhau, công việc cũng như trách nhiệm cũng rất khác. Mentor thì đơn giản chỉ là hướng dẫn mentee làm quen với công việc, giúp họ bắt kịp với nhịp độ, văn hoá làm việc của team nhanh chóng hơn thôi. Trong khi đó team Lead vừa phải làm được những điều trên, vừa phải tìm cách giúp member trong team phát triển năng lực của mình, cũng như phân công công việc, quản lý tiến độ các dự án. Đây là lúc mà mình nhận ra sự yếu kém của bản thân ở nhiều mặt khác nhau. Thứ nhất là khả năng quản lý dự án, mình thường estimate thời gian sai dẫn đến cả team phải OT cho kịp tiến độ. Mặc dù sau mỗi dự án mình đều đúc kết lại nguyên nhân, nhưng với mỗi dự án thì đều có 1 vấn đề khác nhau. Nói chung lại thì vẫn là kinh nghiệm, tầm nhìn cũng như độ cẩn thận chưa đủ. Thứ hai là khả năng quản lý, dẫn dắt team. Có lẽ vì trình độ tiếng Nhật và do kinh nghiệm của bản thân chưa đủ nên mình cảm thấy vẫn chưa thể giúp các member trong team phát triển hơn.

https://nddblog-prod.s3.amazonaws.com/uploads/image_file/image/42/Leader-showing-the-way.jpg.webp
Khả năng lãnh đạo

Mặc dù các dự án được release đúng hạn nhưng việc phải OT thường xuyên của cả team vẫn gây stress rất lớn tới mình. Vì sự yếu kém của bản thân mà khiến những người xung quanh chịu ảnh hưởng tiêu cực 😭. Cùng lúc đó mình cũng bắt đầu suy nghĩ về công việc trong tương lai, con đường nào là thích hợp để sau này mình về làm việc tại VN. Nếu chỉ so về trình độ kỹ thuật thì cùng số năm kinh nghiệm mình khó có thể so với các dev trong nước. Vậy mình hơn họ ở điểm nào? Tất nhiên rõ ràng nhất là tiếng Nhật rồi, không thể để bao năm học tập bị bỏ phí được. Vậy công việc nào cần cả kỹ thuật lẫn tiếng Nhật? Theo xu hướng chung mình nghĩ đến ngay vị trí Brse (Bridge System Engineer). Sau nhiều lần do dự đắn đo, mình đã quyết tâm xin nghỉ việc tại công ty hiện tại. Nhưng không ngờ rằng anh CEO lại cho biế công ty hiện tại đang thuê outsource của 1 công ty VN, nếu mình muốn có thể chuyển sang bộ phân đó để vừa học vừa làm tại vị trí Brse. Như thế thì vừa không cần chuyển công ty vừa có thể làm được công việc mà mình muốn. Vì vậy mình đã quyết định ngay là ở lại và chuyển sang bộ phận khác 🤣

Năm thứ 5

Có thể nói đây là năm bước ngoặt trong sự nghiệp của mình, vì mình đã rời khỏi vị trí team Lead mà mất 4 năm để đạt được, để đến với vị trí mới là Brse. Thực ra dù nói là Brse nhưng hơi khác so với thông thường. Bình thường Brse sẽ là người của công ty Outsource, nhưng mình lại là người của công ty khách hàng. Nhiệm vụ của mình là nhận dự án từ cấp trên, sau đó truyền đạt cho team ở VN rồi quản lý dự án ý chạy đúng theo tiến độ. Mình đã nghĩ rằng công việc khá là đơn giản nhưng thật ra thì không phải như vậy 🥹. Mình cần phải nắm rõ được business model để hiểu cách hệ thống vận hành, đưa ra các phương pháp giải quyết vấn đề khi cần. Cũng như phải quản lý tiến độ dự án và nguồn nhân lực được phân chia vào từng dự án. Chưa kể đến team outsource hiện tại chỉ có PM mà không có Tech Lead vì vậy mình cũng phải tham gia review code, test chức năng sản phẩm. Đối với các sếp bên Nhật thì mình sẽ là Brse (hoặc có thể coi là PM), còn đối với team VN thì mình sẽ là PO (Product Owner).

Em làm việc vẫn còn thụ động, cần chủ động hơn nữa. Hãy đứng trên lập trường của cấp trên để suy nghĩ.

Từ khi chuyển team mình đã học hỏi được từ anh Lead mới về cách làm việc rất nhiều. Đặc biệt là câu nói trên (được dịch từ tiếng Nhật) đã khiến mindset của mình thay đổi. Quả thật mình đã luôn chờ đợi để được giao việc, luôn nghĩ rằng sẽ chỉ làm những việc trong phạm vi công việc của mình. Nhưng suy nghĩ đó sẽ chỉ khiến khả năng của bản thân bị thu hẹp lại mà thôi. Nếu chúng ta chủ động hơn, luôn suy nghĩ trước làm thế nào để hoàn thành công việc hiệu quả hơn, hay các sếp cần gì ở chúng ta, và chuẩn bị trước những điều đó thì sẽ được đánh giá cao hơn rất nhiều. 1 ví dụ đơn giản là khi hệ thống có bug, với vị trí là người phát triển hệ thống bạn Đức A điều tra nguyên nhân, độ ảnh hưởng rồi báo cáo lại cho cấp trên và chờ chỉ thị giải quyết vấn đề như thế nào. Trong khi đó thì bạn Đức B chủ động hơn tự đưa ra các phương án giải quyết vấn đề A, B, C… điểm lợi và hại cho từng phương án, đồng thời cũng đưa ra các lưu ý về khả năng ảnh hưởng tới các hệ thống liên quan. Từ vị trí của 1 người quản lý thì bạn sẽ thích cách xử lý của ai hơn? Câu trả lời mình sẽ để dành cho các bạn nhé 😌

https://nddblog-prod.s3.amazonaws.com/uploads/image_file/image/43/1627615993719.jpeg
Chủ động trong công việc

Tổng kết

Mặc dù bài viết đã rất dài rồi nhưng để tổng kết lại tất cả sự việc trong 5 năm có lẽ là điều không thể nên mình xin phép được dừng lại tại đây. Dù vậy mình nghĩ rằng đã phần nào thể hiện được sự thay đổi liên tục trong tư duy làm việc của mình qua từng năm rồi. Mong rằng những chia sẻ của mình sẽ giúp ích được cho các bạn. Chúc công việc của chúng ta trong những năm tới ngày một thành công hơn nữa!!! 🤩🤩🤩